Trường Đại học Ngoại thương tăng học phí hầu hết chương trình đào tạo, mức tăng dao động 5-10 triệu đồng một năm, áp dụng từ năm học tới.
Theo thông báo xét tuyển công bố ngày 9/5, trường Đại học Ngoại thương cho biết học phí dự kiến năm học 2023-2024 với chương trình đại trà là 25 triệu đồng, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng một năm, cùng tăng 5 triệu đồng so với hiện nay.
Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng một năm, tăng 10 triệu; còn chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.
Trước đó, theo yêu cầu của Chính phủ, trường Đại học Ngoại thương không tăng học phí năm 2022 mà vẫn áp dụng mức thu từ 2021. Trường cho biết trong các năm tới, học phí được điều chỉnh tối đa 10%.
Năm nay, trường Đại học Ngoại thương tuyển 4.100 sinh viên cho ba cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh, tăng nhẹ so với mức 4.050 của năm 2022.
Sáu phương thức tuyển sinh được giữ ổn định. Thứ nhất, trường xét học bạ bậc THPT nếu học sinh thuộc một trong ba nhóm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên.
Hai phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ quốc tế là xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và học bạ hoặc điểm bài thi chuẩn hóa SAT, ACT, A-Level; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT.
Phương thức thứ tư là xét điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia năm 2023 cho một số chương trình tiêu chuẩn tại TP HCM, Hà Nội. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký là 850/1.200 với thí sinh xét tuyển từ kỳ thi của Đại học Quốc gia TP HCM, và 100/150 với thí sinh dùng điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trường Đại học Ngoại thương dành 3.146 chỉ tiêu cho bốn phương thức này. Thí sinh đăng ký nguyện vọng từ ngày 22 đến 31/5.
Phương thức thứ năm là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, được dành 839 chỉ tiêu, tương đương 20%. Thời gian xét tuyển phương thức này theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến từ 10/7 đến 30/7.
Cuối cùng, trường Đại học Ngoại thương dành 115 chỉ tiêu để xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận hồ sơ từ ngày 22 đến 30/5.
Ngoài sáu phương thức trên, chương trình Định hướng phát triển quốc tế, Kinh tế chính trị quốc tế sẽ tuyển sinh riêng, xét điểm trung bình 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12) và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc giải quốc gia môn tiếng Anh. Mỗi tỉnh, thành phố được đề cử tối đa 5 thí sinh, gồm ít nhất hai học sinh thuộc trường chuyên và không chuyên tốt nghiệp năm nay. Các em này phải cam kết trở lại tỉnh, thành phố làm việc sau tốt nghiệp.
Năm 2022, điểm chuẩn từ điểm thi tốt nghiệp THPT của trường Đại học Ngoại thương cao nhất 28,4 với tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) tại nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế tại trụ sở Hà Nội. Các ngành còn lại cũng lấy không dưới 27,5 điểm. Với các tổ hợp còn lại, điểm chuẩn thấp hơn ngưỡng này 0,5.
Các ngành Ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nhật xét tuyển bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) lấy điểm từ 35 đến 36,6 trên thang 40, tiếng Anh nhân hệ số hai. Điểm chuẩn vào những ngành này bẳng tổ hợp khác ít hơn 1 điểm.
Nguồn VnExpress